0985.587.879

Cần có giải pháp cho tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Tại Hội nghị sơ kết công tác hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Chăn nuôi, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học và ứng dụng vacxin vào sản xuất là những giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Theo Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên chăn nuôi phát triển ổn định, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tốt.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2021, tại thời điểm tháng 6/2022, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%); đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng khoảng 980 ngàn tấn (tăng 5,2%).

Trong khi đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng năm 2022 ước đạt 10,5 triệu tấn, tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%.

Thời gian qua, giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã có nhiều khởi sắc. 6 tháng đầu năm 2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng bán tại cổng trại theo xu hướng tăng ở cả 3 miền, duy trì ở mức từ 55.000-59.000 đg/kg trong thời gian dài.

Trong khi đó, giá sản phẩm gia cầm so với thời điểm tháng 01/2022 đều tăng.

Liên quan vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ cũng như các đối tác quốc tế để đưa ra giải pháp chủ động nguồn thức ăn.

Thứ trưởng lưu ý việc quản lý, kiểm soát chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong ngành chăn nuôi. “Đây là nguồn lực rất quan trọng, do đó cần đẩy nhanh các dự án, chương trình hợp tác với đối tác nước ngoài”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cục Chăn nuôi cần tăng cường phối hợp với Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nâng cao hiệu quả nghiên cứu về giống, nguyên liệu thay thế, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sử dụng và đa dạng nguồn nguyên liệu thức ăn cho hoạt động chăn nuôi.